⭕️Lười biếng, không kiên nhẫn chắc chắn sẽ hối tiếc muộn màng ❌
“Giá như”, có lẽ với nhiều người, đây là một từ buồn và mang đến nhiều cảm xúc khó tả nhất.
Contents
1. HỌC “LÊ LẾT” TỪNG NGÀY VÀ THIẾU MUỐI
“Học đại học nhàn lắm” là câu nói mà có thể bạn từng nghe từ các đàn anh chị. Nghe thấy sướng đúng không? Nhưng đừng tin lời họ, nhất là những người có thể dành cả đêm chơi game, lướt Facebook, xem phim Hàn rồi lên giảng đường để ngủ. Bạn không có thời gian cho mình nghỉ ngơi như họ đâu. 4 năm đại học không phải là nhiều để các bạn có thể thu thập đủ kiến thức, rèn luyện kỹ năng, làm giàu vốn sống và kinh nghiệm của mình.
Cho nên đừng dễ dãi với bản thân phút giây nào hết. Chọn cho mình ý nghĩa cho việc học, cho cuộc sống sinh viên để lao ra ngoài năng động hơn, nhiệt huyết hơn. Thử một ngày tất bật nếm trải cảm giác hồi hộp đi phỏng vấn, ném mình vào câu lạc bộ đội nhóm với những sự kiện, những hoạt động những chuyến đi xa. Cam đoan lúc đó, lúc đó thời sinh viên của bạn không hề nhàn một chút nào.
2. BẮT ĐẦU QUEN DẦN VỚI SỰ TẦM THƯỜNG
Học kỳ đầu tiên năm thứ nhất, có thể 1 số sinh viên cảm thấy rất thất vọng khi nhận điểm kém. Vài kì học nữa, họ trượt một số môn – có buồn và thất vọng nhưng họ không còn thấy cắn rứt. Dần dần, họ bắt đầu đổ lỗi cho thầy cô, đổ lỗi cho “bất cập trong giáo dục”. Cứ như thế họ bắt đầu quen với sự tầm thường khủng khiếp nhất: sống với sự hèn nhát và thiếu nghiêm khắc với bản thân mình. Họ tự thêm vào những thói quen xấu: trễ hẹn, thất hứa, trì hoãn,… và họ bắt đầu “Thôi kệ” nhiều hơn.
Nếu bạn nhận ra điều này, đừng cho phép mình nói “THÔI KỆ” thêm một lần nào nữa. Đừng cho phép bản thân sống dễ dãi, để tương lai của bạn cũng sẽ bị cuốn theo những thứ tầm thường đó…
3. NGẠI GIAO TIẾP, SỐNG KHÉP KÍN
Trên thế giới có hơn 7 tỷ người, những người có suy nghĩ tích cực và ý chí phấn đấu cố gắng sẽ xếp hàng đầu tiên và nhận được cơ hội để phát triển.
Đừng bao giờ nghĩ đến chuyện im lặng. Tự tin thể hiện những suy nghĩ của mình dù người khác nói này nọ, dù bạn có thể nghĩ nó chưa hoàn toàn đúng và mình sẽ bị cười. Hãy nhớ: Nếu nói bạn có thể sai, nhưng nếu không nói thì bạn chắc chắn không bao giờ đúng. Đừng vì sợ hãi vô căn cứ mà bỏ lỡ đi những cơ hội đáng giá.
4. LẠC TRONG MƠ HỒ
“Học không phải ngày 1, ngày 2, học là 2-3 ngày cuối” là câu nói quen thuộc của sinh viên.
Trong cuốn “Những điều người ta không dạy bạn ở Harvard”, theo nghiên cứu có tới 83% sinh viên không có mục tiêu, 14% có nhưng mơ hồ, chỉ có 3% biết rất rõ thứ mình muốn. Kết quả sau khi ra trường, số 14% có thu nhập gấp 2 lần số 83%. Nhưng đáng chú ý là, số 3% có thu nhập gấp 10 lần 97% còn lại. Đó chính là sức mạnh của việc đặt mục tiêu.
Ngay từ bây giờ, hãy tự mình trả lời những câu hỏi quan trọng: Mình sống vì điều gì? Mình nên sống thế nào? Cuộc sống mà mình mong muốn trong tương lai là gì?. Rồi từ đó viết ra cho mình những mục tiêu cụ thể, rõ ràng và hành động quyết liệt thay vì chỉ mơ hồ học vì “điểm số, bằng cấp” – Điều đó sẽ giúp bạn có mặt trong con số 3% nhỏ bé đấy.
5. BẮT ĐẦU KHÔNG CÒN TÒ MÒ VỀ MỌI THỨ
Chém gió như bão nhưng khi giảng viên yêu cầu phát biểu ý kiến thì im bặt, cười lấy lệ. Họ chỉ chịu học những gì bị ép, còn ngoài ra – không gì cả. Họ nghĩ lịch sử chán ngắt còn triết học thì mơ hồ quá. Họ thích ngủ hơn là khám phá điều gì đó thú vị và sẵn sàng nhìn thế giới qua lăng kính của người khác. Đối với họ, việc chủ động đặt ra câu hỏi và phản biện là điều không tưởng.
“Hãy tò mò về mọi thứ, hãy học khi người khác ngủ, lao động khi người khác lười nhác, chuẩn bị khi người khác chơi bời. Và bạn sẽ có giấc mơ khi người khác chỉ ao ước!” – William Arthur Ward
6. TẦM THƯỜNG HÓA TÌNH BẠN
Hãy kết bạn mỗi ngày nhưng đừng bao giờ “tầm thường hóa” tình bạn. Nếu bạn cho đó là tình bạn, hãy nghiêm khắc với tình bạn đó.
Dù bạn phải nói thẳng: “Mày sai rồi, thế này mới đúng” để rồi nó giận mình 1 tháng, 1 năm sau đó, điều đó vẫn tốt hơn việc bạn lờ nó đi. Nếu bạn lờ đi những sự sai sót đó, thì có thể bạn sẽ mất đi một người bạn tốt trong tương lai. Và rồi suốt 4 năm Đại học, đừng ngạc nhiên nếu xung quanh bạn chỉ toàn những mối quan hệ “xã giao”, không có ai để đi cafe tâm sự, khóc lóc, để kể hết mọi chuyện bực dọc cho nó.
7. NGẠI THAM GIA CÁC CÂU LẠC BỘ, HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN
Tham gia các câu lạc bộ, tổ đội tình nguyện – đó là môi trường rất tốt để học hỏi, để trải nghiệm. Nhưng quá nhiều lý do khiến bạn NGẠI: Ngại vất vả, ngại nắng gió, ngại không có ai quen, ngại không làm quen được ai,… Và rồi bạn tặc lưỡi “thôi để sau, mai này rảnh thì đi”. Rồi đến bây giờ khi “mai này” đã đến, khi sắp phải tự chịu trách nhiệm với cuộc đời của chính mình, thì thời gian đã chẳng còn để làm gì nữa rồi. Hoạt động ngoại khóa? Không. Kinh nghiệm làm việc? Không. Giải thưởng? Không. Kỹ năng? Không. Đến cả sử dụng Excel với Word cũng không xong. Mọi thứ đều là con số 0 tròn trĩnh. ngồi hàng giờ mà chẳng biết cho gì vào CV.
8. TƯ DUY “LÀM SẾP” VÀ TỎ RA “CỰC KỲ NGUY HIỂM”
Rất nhiều bạn sinh viên nghĩ học quản trị kinh doanh là để ra trường làm “sếp”? Nhiều người chê việc này lương thấp, việc kia cực, mới ra trường nhưng lại muốn “việc nhẹ lương cao”, ổn định, môi trường làm việc chuyên nghiệp và được chỉ định và lãnh đạo người khác…
Chưa vững chuyên môn – không kinh nghiệm nhưng tự tin định giá mình cao ngất, hét lương không khoan nhượng. Khi đó các nhà tuyển dụng sẽ lắc đầu vì “mới vô đã thế rồi, không biết sau này sao nữa?!?”. Họ đâu có biết khủng hoảng kinh tế hiện tại rất nhiều du học sinh về nước đã cắn răng đầu tư thời gian thêm 1 năm làm việc intern không lương chỉ để có thêm kinh nghiệm và đủ sức cạnh tranh trên thị trường việc làm CUNG NHIỀU CẦU ÍT.
Hãy bỏ ngay những tư tưởng trên nếu như bạn chưa nghe tin Cử nhân giấu bằng để xin đi làm công nhân.
9. NGÂY THƠ GÀ MÁI MƠ
“Sinh viên Việt Nam nhiều khi quá ảo tưởng về bằng cấp, khi chúng tôi tuyển dụng thấy rằng hầu như các bạn đều chỉ có bằng mà chả có tí kiến thức nào có thể áp dụng cả và rồi chúng tôi phải đào tạo lại.”
– Ông Nguyễn Lâm Viên (Chủ tịch tập đoàn Vinamit)-
Nếu bạn “nghe đồn” các công ty thích tuyển dụng những bạn “tươi mới” để họ dễ đào tạo, huấn luyện theo văn hóa công ty. Nếu bạn “hiểu rõ” bất cập giáo dục Việt Nam ra trường các công ty đều phải đào tạo lại hết từ đầu. Và khi tốt nghiệp, đến gặp nhà tuyển dụng và tự tin khoe: “Dạ em – 1 tờ giấy trắng – anh chị hãy dốc hết mồ hôi dạy em kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, quản lý thời gian, làm việc nhóm, blabla… nhé!”. Thì đảm bảo rằng bạn chắc chắn có rất nhiều cơ hội nằm trong tầng lớp VIP được xã hội cực kỳ quan tâm – “Tầng lớp thất nghiệp”
Bao nhiêu bạn thấy mình trong đó?