“Người ta chẳng bao giờ học được điều gì qua nghe kể, họ phải tự mình khám phá ra.” – Paulo Coelho
Hôm nay, thời khắc quá bất ngờ để đánh dấu cho ngày kỉ niệm của tình bạn 5 năm. Sáng nay tôi đã tự cho phép bản thân thoải mái khi nhận được tin và phải làm thế nào khi đồng nghiệp và những người tôi quen biết nhưng tôi lại biết rất ít về họ đến với tôi và vỗ nhẹ vào lưng tôi, ôm tôi hoặc nói với tôi “Tôi xin lỗi”
Có ba sự thật tất yếu trong cuộc sống mà ai cũng cần hiểu được. Thứ nhất, điều tồi tệ nhất có thể xảy đến với người tốt nhất chẳng vì một lí do rõ ràng nào hết. Thứ hai, phần lớn mọi người, thậm chí những người bạn không nghĩ là quan tâm, đều thực sự là những người giỏi quan tâm. Và cuối cùng, thật khó để nhìn ra những cơ hội cuộc sống mang lại cho bạn cho đến khi bạn nhìn lại chúng, bạn cần hiểu một cách đầy đủ những tình huống nhất định trong cuộc sống cho trước khi chúng thực sự xảy đến với bạn.
Điểm cuối này là điều tôi muốn khám phá thêm hôm nay – 7 bài học cuộc sống quan trọng hầu hết mọi người học được từ chính trải nghiệm bản thân.
Contents
1. NGƯỜI BẠN ĐÁNH MẤT VẪN CÒN MỘT PHẦN TRONG BẠN
Một ngày nào đó, bạn sẽ đối mặt với hiện thực mất mát. Và cuộc đời cứ thế trôi đi, ngày lại đến đêm, bạn sẽ nhận ra rằng bạn chưa bao giờ khôn nguôi nhớ về một ai đó đặc biệt đã ra đi, bạn chỉ sống quẩn quanh chỗ trống họ để lại.
Khi bạn mất ai đó bạn khó tưởng tượng mình có thể sống thiếu họ, trái tim như vỡ vụn ra, tin xấu là bạn chẳng bao giờ vơi đi nỗi mất mát ấy. Bạn sẽ không bao giờ quên được người đó. Tuy nhiên, suy đi nghĩ lại, đây cũng là tin tốt. Họ sẽ sống trong sự ấm áp của trái tim tan vỡ khó chữa lành của bạn, và bạn sẽ tiếp tục bước tiếp và trải nghiệm cuộc sống, thậm chí là với vết thương lòng khắc khoải đó. Nó giống như bị một vết thương mắt cá khó có thể hoàn toàn lành lặn trở lại, nhưng bạn vẫn nhảy bằng mọi giá với một cái chân khập khiễng, và cái chân này thay đổi gì chất lượng màn biểu diễn hay tính cách thực sự của bạn.
2. MƯU CẦU HẠNH PHÚC CHÍNH LÀ CUỘC HÀNH TRÌNH ĐI TÌM Ý NGHĨA TRONG CUỘC SỐNG
Mưu cầu hạnh phúc không hoàn toàn giống với việc cảm thấy hạnh phúc – một cảm giác thoáng qua phụ thuộc vào nền tảng vật chất, tiền tài. Nếu mặt trời đang chiếu sáng, hãy tắm mình trong đó bằng mọi cách có thể. Thời gian hạnh phúc thật tuyệt vời và thường ngập tràn niềm vui, nhưng thời gian hạnh phúc rồi cũng qua đi bởi lẽ thời gian không ngừng trôi. Đây là điều ít ai trong chúng ta hiểu được ngay từ đầu.
Mưu cầu hạnh phúc trong suốt cuộc đời, mặt khác, lại càng khó nắm bắt hơn; nó không dựa trên một mục tiêu nhất định. Điều bạn đang thực sự theo đuổi là ý nghĩa – sống một cuộc đời đúng nghĩa. Nó bắt đầu với hai chữ “Tại sao?” ( Tại sao bạn lại đang làm những gì mình đang làm với cuộc đời bạn?). Khi cái “tại sao” ấy là có ý nghĩa cũng có nghĩa rằng bạn đang mưu cầu hạnh phúc. Sẽ có những lúc mọi thứ quá tồi tệ đến mức bạn gần như không cảm thấy như mình đang sống. Và cũng sẽ có những thời điểm bạn nhận ra rằng việc không có vẻ như là đang sống, trong giới hạn của bạn, lại tốt hơn một sự tồn tại vô nghĩa trong 80 năm ròng trong giới hạn của một ai khác. Sự theo đuổi không phải là tất cả, cũng chẳng phải là không có gì; nó là tất cả và không có gì, với những thăng trầm và những bài học đáng giá song hành với nó.
Nói cách khác, hạnh phúc đến dễ dàng nhất khi bạn biết mình đang làm gì, tin vào những gì bạn đang làm, và yêu những gì bạn làm (và việc bạn làm nó cùng với ai), dẫu cho mọi thứ có trở nên thế nào chăng nữa.
3. TÌM KIẾM SỰ CÔNG NHẬN TỪ NGƯỜI KHÁC CHỈ MANG ĐẾN CHO BẠN SỰ MỆT MỎI VÀ NHỮNG QUYẾT ĐỊNH SAI LẦM
Bạn đã bao giờ bị kìm hãm bởi nỗi sợ bị khước từ? Bạn đã bao giờ sợ việc người khác có thể nghĩ hoặc nói về bạn – điều ngăn bạn khỏi những hành động tiêu cực. Tôi cá là bạn đang gật đầu “Rồi.”
Đã đến lúc bạn thay đổi tư duy của chính mình…
Hôm nay, người duy nhất bạn cố gắng để vượt lên chính là con người hôm qua của bạn. Chứng minh bản thân với chính mình. Bạn đủ giỏi, đủ thông minh, đủ xinh đẹp, đủ mạnh mẽ. Bạn không cần một ai khác ghi nhận nó; vốn dĩ bạn đã là một người có giá trị.
Nếu ai đó nói không với bạn, hay nếu người ta nói thứ gì đó tiêu cực về bạn, điều đó chẳng thay đổi điều gì về bạn hết. Những ngôn từ và quan điểm của người khác chẳng có chút ảnh hưởng nào đến giá trị của bạn. Chắc chắn là việc tạo một ấn tượng tốt trong những tình huống nhất định thực sự hữu ích và đáng mơ ước, nhưng nếu bạn đối mặt với sự khước từ của người đối diện thì cũng chẳng việc gì phải xấu hổ hay bận tâm nhiều.
Nhận được những phản hồi tích cực kì thực rất tuyệt, nhưng đơn giản là nó không phải lúc nào cũng xảy ra. Như vậy cũng tốt thôi, bởi vì bạn biết được mình đang đối chọi với cái gì và bạn nhận ra rằng giá trị của mình không phụ thuộc vào phán xét của người khác. Khi bạn quyết tâm tạo ra một sự khác biệt đích thực trong cuộc sống, sẽ có những người không đồng ý, những người phớt lờ, và cả những người hoàn toàn bác bỏ đi những ý tưởng và nỗ lực của bạn. Bỏ ngoài tai những gì họ nói, tự tin bước lên, làm những gì cần làm, và để mặc họ thích nghĩ gì thì cứ việc.
4. SỰ TIẾC NUỐI GÂY TỔN THƯƠNG CÒN HƠN CẢ NỖI SỢ
Khi ta đầu hàng trước nỗi sợ, ta khó có thể nhìn vào chính mình trong gương. Đáng buồn thay, rất ít chúng ta thoát khỏi việc học được điều này từ trường hợp của chính mình. Nếu bạn đã trải qua điều này một vài lần, bạn hẳn sẽ biết mình cần làm gì.
Chỉ khi chúng ta dám vứt bỏ thứ gì đó thì ta mới thực sự mở rộng cơ hội chiến thắng cho chính mình. Đó có thể là từ bỏ công việc hiện tại để thành lập công ty mới, chạy marathon, hay đi du lịch đến những vùng miền xa xôi chưa được biết đến của thế giới, bất cứ nỗ lực đáng giá nào yêu cầu sự mạo hiểm, đấu tranh và hi sinh. Một vài trong số chúng có thể khiến bạn kinh hãi, nhưng hãy hỏi lại chính mình nếu những nỗi sợ ấy mạnh mẽ hơn nỗi sợ lớn hơn hết cả, nỗi sợ sống một cuộc đời lãng phí?
Nếu bạn chưa bao giờ hành xử lạ lùng hay ngu ngốc, bạn chưa bao giờ đi theo sự mách bảo của trái tim. Sẽ tốt hơn nếu bạn nhìn lại cuộc đời và nói, “Tôi không tin nổi là mình đã làm được,” hơn là nhìn lại và nói “Ước gì mình đã làm điều đó.” Đừng để thời gian trôi qua bạn như một cánh tay vẫy từ một đoàn tàu bạn tha thiết muốn ngồi lên. Đừng dành phần đời còn lại nghĩ về lí do tại sao bạn không làm những việc bạn có thể làm ngay bây giờ. Tận hưởng cuộc sống. Cháy hết mình.
5. CUỘC ĐỜI QUÁ VÔ THƯỜNG CHO NHỮNG KÌ VỌNG CỨNG NHẮC
Khi bạn ngừng dự đoán và mong đợi mọi thứ vận hành theo một chiều hướng nhất định, bạn có thể đánh giá thực chất của chúng. Rốt cuộc, bạn sẽ nhận ra rằng món quà tuyệt vời nhất của cuộc đời không mấy khi được gói theo cách bạn mong chờ.
Với một thái độ tích cực và sẵn sàng tiếp thu cái mới, bạn sẽ phát hiện ra rằng đời không nhất thiết phải dễ dàng hay khó khăn hơn những gì bạn nghĩ; cái “dễ dàng” hay “khó khăn” đó không phải chính xác những gì bạn mong đợi, không phải lúc nào cũng xảy ra khi bạn muốn chúng xảy ra. Đây không phải là chuyện tồi tệ, nó khiến cuộc sống trở nên thú vị.
99% thời gian sống mang lại những kinh nghiệm sống hữu ích nhất cho sự phát triển bản thân của chính bạn. Làm thế nào mà bạn biết được đó là kinh nghiệm mình cần? Bởi vì đó là kinh nghiệm bạn đang có. Câu hỏi duy nhất là: Bạn sẽ giữ chặt nó và lớn lên, hay chống lại nó và phai tàn theo thời gian.
Dĩ nhiên, bí quyết là chấp nhận rằng không phải mọi thứ đều có ý nghĩa. Khi mọi chuyện không theo ý bạn, bạn phải suy nghĩ một cách nghiêm túc và chấp nhận thực tế rằng bạn đã luôn nhận định sai về nó. Đó chỉ là một ảo tưởng chẳng bao giờ thực sự giống như suy nghĩ của bạn. Đó là một trong những thực tế khó chấp nhận nhất, để rồi nhận ra rằng bạn có cảm giác mất mát, dù cho bạn chưa bao giờ có được những gì bạn cho rằng mình sẽ đạt được ngay từ đầu.
6. KHI BẠN CỐ LẨN TRÁNH, CUỐI CÙNG RỒI CŨNG SẼ LẠI ĐÂU VỀ ĐẤY
“Đừng nghĩ đến việc ăn miếng bánh sô-cô-la đó!” Bạn đang thực sự nghĩ đến điều gì bây giờ? Ăn miếng bánh đó, đúng không? Khi bạn tập trung nghĩ về thứ gì đó, bạn rốt cuộc chỉ nghĩ về nó. Tâm lí học được cho là đúng khi nó giải phóng đầu óc bạn khỏi những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ. Bằng việc kiên trì cố gắng kéo bạn ra xa khỏi những gì bạn không thích hay không muốn, bạn bị đặt vào thế buộc phải nghĩ về nó nhiều đến nỗi cuối cùng bạn mang theo bên mình sức ảnh hưởng của nó. Nhưng nếu bạn thay vì chọn dành sức cho những điều bạn thích và bạn muốn, bạn tự nhiên bỏ lại phía sau những tác động tiêu cực khi bạn bước tiếp.
Nói tóm lại là: Chạy trốn khỏi những vấn đề là một cuộc đua bạn không bao giờ có thể dành chiến thắng. Tiến về thứ gì đó thay vì tiến ra xa. Thay vì việc loại bỏ những thứ tiêu cực, cần tập trung tạo ra thứ gì đó tích cực xảy đến để thay thế cái tiêu cực.
7. NHỮNG TRỞ NGẠI BẤT NGỜ LÀ KHÔNG THỂ TRÁNH KHỎI VÀ GIÚP ÍCH CHO BẠN
Không một ai trên thế giới này sẽ tấn công và làm tổn thương bạn sâu sắc như chính cuộc đời làm với bạn. Đôi khi cuộc sống sẽ làm bạn gục ngã và giữ bạn ở tư thế đó nếu bạn cứ phó mặc như vậy. Nhưng nó không phải cái cách một cuộc đời khắc nghiệt tác động lên bạn, mà là việc bạn có thể bị va đập sâu sắc đến nhường nào khi tiếp tục gượng dậy và tiến lên. Đó mới chính là sức mạnh thực sự, là ý nghĩa đích thực của việc chiến thắng trò chơi của cuộc đời.
Khi bạn đáng ra phải khóc lóc phàn nàn, nhưng bạn chọn cách mỉm cười và bước lên, bạn đang trở nên mạnh mẽ hơn. Nỗ lực vượt qua những đấu tranh giằng xé và trở ngại của chính bạn. Thậm chí khi có vẻ như mọi thứ đều đổ bể, chúng chưa hẳn đã như vậy. Rồi từ đó, học tất cả những điều bạn có thể, cười nhiều lên, sống trọn từng khoảnh khắc và hiểu rằng cuối cùng thì mọi thứ đều đáng giá.
Tái bút:
Gandhi từng nói, “Hãy sống như thể ngày mai bạn sẽ chết. Học như thể bạn sẽ sống mãi mãi.” Tôi rất thích câu nói này. Lẽ dĩ nhiên là mỗi ngày là một tặng phẩm, và món quà là một cơ hội để sống, để học hỏi, và để lớn lên.
Hãy luôn xem mình như một người học sinh trong trường học cuộc đời. Đắm mình trong đó và tiếp thu tất cả những kiến thức bạn có thể có được, trong khi bạn vẫn còn khả năng làm vậy. Bạn có thể phải chịu hi sinh một vài thứ để đạt được những thứ khác, và bạn có thể phải học được thứ gì đó từ chính trải nghiệm cay đắng của chính mình. Cũng ổn thôi. Mọi kinh nghiệm đều cần thiết. Mục đích sống của bạn là sống một cách trọn vẹn, cống hiến hết mình vì nó, để vươn ra ngoài với một tâm hồn rộng mở và một trái tim chân thật khao khát những trải nghiệm mới và phong phú nhất.
Đến lượt bạn…
Bạn sẽ thêm điều gì vào danh sách trên? Bạn đã học từ chính kinh nghiệm bài học xương máu nào?
Nguồn : 7 Important Life Lessons Everyone Learns the Hard Way