Nói về hạnh phúc của mình, điều quan trọng là ta đánh giá hai thứ: mình hạnh phúc như thế nào? Và ta thấy việc mình đang làm có ý nghĩa như thế nào?
Cả hai đều là những thành tố cần thiết cho một cuộc đời viên mãn. Dù cho là như vậy, hạnh phúc nhận được nhiều sự quan tâm hơn là ý nghĩa trong mọi lĩnh vực – từ tâm lí học, đến kinh tế, đến triết học, cho đến các chính sách. Ta có một kho dữ liệu về sự hạnh phúc của thế giới; ta xếp thứ hạng những nước hạnh phúc nhất trên thế giới, ta xếp hạng những nghề nghiệp hạnh phúc nhất trên thế giới, và ta phân tích cái cách hạnh phúc tác động đến năng suất.
Nhưng ta không làm điều tương tự với ý nghĩa.
Thường thì, hạnh phúc và ý nghĩa được góp lại với nhau thành một. Rất dễ mắc phải lỗi này; nhiều hoạt động mang đến cho ta cả hạnh phúc và ý nghĩa. Nhiều hoạt động chẳng đem đến cái nào trong hai và nên bị tránh đi.
Tuy nhiên, với một vài hành động nhất định, những tác động lên hạnh phúc và ý nghĩa không tương quan với nhâu một chút nào. Chúng chỉ ra những chiều hướng trái ngược. Ví dụ như đi nghỉ dưỡng ở biển có thể khiến bạn hạnh phúc nhưng chẳng bổ sung thêm nhiều ý nghĩa cho cuộc sống của bạn. Chạy marathon, mặt khác, truyền cho bạn một cảm giác ý nghĩa và sự chinh phục sâu sắc, nhưng có thể không khiến bạn hạnh phúc (đặc biệt không trong trạng thái phồng rộp, vã mồ hôi, mệt mỏi của bạn rã rời.)
Contents
5 khác biệt theo Roy Baumeister
Năm 2013, nhà tâm lí học xã hội Roy Baumeister đã cố gắng mổ xẻ làn ranh giới gai góc và thường rất mơ hồ giữa hạnh phúc và ý nghĩa, và đi đến một vài khác biệt đáng giật mình. Cùng với các nhà tâm lý học Kathleen Vohs, Jennifer Aaker và Emily Garbinsky, ông đã khảo sát 400 công dân Mỹ về hạnh phúc và ý nghĩa.
Ông đã không đưa ra một định nghĩa nào về một tỏng hai thuật ngữ trên trong cuộc khảo sát của mình. Thay vì vậy, ông nhường phần đó lại cho những người tham gia dựa trên hiểu biết của riêng họ về hai từ ngữ ấy. Điều này mang đến cho ông góc nhìn sâu sắc về cách ta diễn tả ý nghĩa và hạnh phúc trong cuộc sống thường nhật của mình.
Từ những kết quả đó, Baumeister và đồng nghiệp của ông đã có thể tìm ra 5 sự khác biệt lớn giữa hạnh phúc và ý nghĩa:
Đạt được những gì bạn muốn và cần
Baumeister nhận ra rằng việc thỏa mãn được những khao khát của bản thân là một nguồn hạnh phúc đích thực. Tuy nhiên, nó chẳng thêm chút gì về mặt ý nghĩa.
Ví dụ như, nếu bạn muốn sô-cô-la và bạn giành được nó, bạn sẽ hạnh phúc hơn. Nhưng bạn sẽ chẳng thấy rằng ngày của mình trôi qua ý nghĩa hơn.
Hạnh phúc được tìm ra để phát triển chỉ trong những điều kiện thuận lợi. Những thứ như sức khỏe tốt, áp lực thấp, và một công việc dễ dàng đều tăng cường hạnh phúc của những người tham gia, nhưng chẳng bổ sung thêm chút ý nghĩa nào.
Mặt khác, người ta có xu hướng tìm ra ý nghĩa thậm chí trong những tình huống khó khăn. Trong một môi trường đầy thách thức và áp lực, ý nghĩa dâng cao trong khi hạnh phúc lại tụt xuống.
Hãy tưởng tượng bạn đang đối mặt với một rào cản lớn nơi làm việc: chiến lược bạn đang thực hiện hàng tháng nay thất bại. Điều này rõ ràng chẳng hề tăng thêm chút gì cho mức độ hạnh phúc của bạn, nhưng nó buộc bạn phải đánh giá sai lầm, tập trung tâm sức vào việc vượt qua thử thách, và cuối cùng còn lại là một sự thấu hiểu hơn về những việc bạn nên làm. Một trải nghiệm tiêu cực trở thành một cơ hội cho bạn để phát triển cả về mặt cá nhân cũng như nghề nghiệp.
Khung thời gian
Cuối cùng, những gì ta gọi là hạnh phúc và những gì ta gọi là ý nghĩa đều liên quan đến khung thời gian của ta. Hạnh phúc là nói về hiện tại, về niềm vui thú ngay tức thời. Nó là cuộc chạy vội vã và đầy phấn khích bạn có được khi bạn xem episode cuối cùng của Game of Thrones, hay khi được tăng lương ở chỗ làm. Nó có cảm giác tuyệt vời trong khoảnh khắc, nhưng hạnh phúc từ một sự kiện chỉ xảy ra một lần thường rất ngắn ngủi.
Mặt khác, ý nghĩa liên quan đến việc thiết lập một quỹ đạo lâu dài. Những người tìm thấy nhiều ý nghĩa hơn nhưng ít hạnh phúc hơn trong đời họ dành ít thời gian hơn tập trung vào hiện tại, và nhiều thời gian hơn cho việc liên hệ giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Họ dành nhiều thời gian nghĩ về những mục tiêu của mình, vạch định tương lai, và phản chiếu dựa trên những trải nghiệm quá khứ.
Cuộc sống cộng đồng
Có một mạng lưới hỗ trợ tận tâm quan trọng cho cả ý nghĩa và hạnh phúc. Việc thiếu những mạng lưới này được liên kết với mức năng lượng thấp của cả hai.
Tuy nhiên, có một sự khác nhau cơ bản về loại kết nối xã hội mà làm tăng mức độ hạnh phúc của bạn với loại mà làm tăng cảm nhận về ý nghĩa của bạn. Sự có ý nghĩa đến khi bạn đóng góp gì cho người khác (sự hi sinh quên mình), và hạnh phúc đến khi họ đóng góp cho bạn (sự ích kỉ).
Để có cả hạnh phúc và ý nghĩa từ các mối quan hệ bạn bè của bạn, bạn cần cả cho và nhận. Ví dụ như, nếu bạn có một người bạn luôn cố gắng liên lạc nhưng người đó chẳng bao giờ gọi lại cho bạn một cuộc, bạn có thể tìm được chút ý nghĩa từ mối quan hệ nhưng sẽ rất ít hạnh phúc. Nếu một thành viên gia đình ủng hộ bạn nhưng bạn không đáp lại tình cảm ấy, bạn sẽ cảm nhận được cảm giác hạnh phúc nhưng không phải ý nghĩa.
Những cuộc đấu tranh, những vấn đề và căng thẳng
Khi những điều này nảy sinh, luôn có mức độ hạnh phúc thấp hơn và mức ý nghĩa cao hơn. Điều gây tò mò là, việc những điều tốt xảy đến với bạn có thể tăng mức độ hạnh phúc và cảm nhận ý nghĩa của bạn. Nhưng chuyện xấu thì sao? Chúng chỉ có một tương quan tích cực với ý nghĩa. Thường thì, những người đối mặt với những sự kiện tiêu cực (làm giảm hạnh phúc) có một sự cảm nhận về mục đích và sự khiêm nhường sâu sắc hơn. Những sự việc mang đến nỗi sầu cho hạnh phúc hóa ra lại có những liên kết tích cực đáng kể với một cuộc đời ý nghĩa.
Một ví dụ chìa khóa của mối quan hệ giữa ý nghĩa và căng thẳng là sự nghỉ hưu. Thậm chí nếu ai đó có thể ngừng làm việc ngày mai và có một sự nghỉ hưu thoải mái với ít căng thẳng, thời gian với gia đình và sự khoan khoái nhất thời, nhiều người vẫn tiếp tục làm việc vì họ không muốn từ bỏ ý nghĩa họ tìm thấy trong công việc của mình. Với sự nghỉ hưu, những thách thức cũng đến ít hơn và có nhiều thời gian hơn để thư giãn. Kết quả là hạnh phúc tăng lên, nhưng ý nghĩa lại hạ xuống.
Bản thân: nhận dạng cá nhân
Sự khác biệt cuối cùng mà Baumeister tìm ra trong nghiên cứu của ông liên quan tới những hành động bộc lộ bản thân.
Có những hành động bạn làm không phải vì ai đó bảo bạn, hay vì đó là công việc của bạn, mà đơn giản chỉ vì bạn có mong muốn làm như vậy. Nó được tìm ra để tăng thêm ý nghĩa cho cuộc sống mọi người, nhưng chẳng có một tương quan tích cực nào với hạnh phúc.
Nếu đam mê của bạn là thể hình, hay vẽ, hay kinh doanh, việc theo đuổi những sở thích ấy có thể tạo nên mối tương quan tích cực đáng kể với một cuộc đời có ý nghĩa.
Chúng cũng có thể khiến bạn căng thẳng. Hoặc không sản sinh ra thành quả ngay tức thời. Nhưng điều đó không quan trọng, vì bạn có lẽ đang không thực hiện chúng cho những mục tiêu ngắn hạn. Bạn đang thực hiện chúng để tăng thêm mục đích, giá trị và sự hiệu quả cho cuộc sống của bạn. Nói tóm lại, tăng thêm ý nghĩa.
Sự phân tách giữa ý nghĩa và hạnh phúc được điều tra ở đây bởi Roy Baumeister tương tự với điều được truyền đạt bởi Stefan Sagmeister. Sagmeister không dùng cùng hai thuật ngữ hạnh phúc và ý nghĩa, nhưng cũng minh họa cùng luận điểm.
Loại hạnh phúc của Stefan Sagmeister
Năm ngoái, hai nhà đồng sáng lập Sandglaz là Nada và Zaid đang ở Techstars Chicago. Khi họ ở đó, họ tình cờ phát hiện ra The happy show (Chương trình hạnh phúc), cái mà sau này chúng tôi đã bao gồm trong một cuộc phỏng vấn với Stefan Sagmeister, nhà sáng tạo của chương trình.
Thay vì phân chia những trải nghiệm tích cực thành hạnh phúc và ý nghĩa, ông chia hạnh phúc thành ba mức độ theo thời gian.
Có hạnh phúc ngắn hạn như là niềm vui và say mê ngây ngất, hạnh phúc trung bình như là sự thỏa mãn và cảm giác sung sướng và hạnh phúc dài hạn như “tìm ra mục đích bạn được mang đến thế giới này.”
Mô tả của Sagmeister về hạnh phúc dài hạn hoàn toàn tương tự với mô tả của Baumeister về ý nghĩa. Kết luận của Baumeister về hạnh phúc nghe có vẻ giống như phần thưởng ngay tức khắc và ngắn hạn mà Sagmeister đang mô tả. Mô tả của Sagmeister về hạnh phúc trung bình ở vào khoảng giữa hai cái trên.
Chúng không chỉ có tên giống nhau mà còn nói về cùng một hiện tượng.
Bất cứ lúc nào ta đưa ra một quyết định trong đời, ta luôn phải đối mặt với cùng câu hỏi: tôi có đang làm những việc khiến mình hạnh phúc ngay giờ đây? Hay tôi có vạch định trước và nhờ đó cảm thấy thỏa mãn hơn về lâu về dài?
Cuối cùng, ta không nên phải chọn giữa hai điều không thể. Trong nghề nghiệp cũng như trong cuộc sống cá nhân của bạn, tôi chắc rằng bạn sẽ ước có được hạnh phúc cộng thêm ý nghĩa, không phải chỉ một trong hai.
Vậy thì loại nghề nghiệp nào cho phép điều đó?
Ben Casnocha đã quan sát những con đường nghề nghiệp điển hình và những gì chúng mang lại:
- Hạnh phúc thấp, ý nghĩa cao: Đây là công việc mà không nhất thiết phải làm bạn hạnh phúc ngày qua ngày, nhưng tạo cho bạn cảm giác mình vừa cống hiến cho một sự nghiệp cao cả. Ví dụ như, làm việc cho một tổ chức phi chính phủ ở một nơi khắc nghiệt, hay làm một nhà kinh doanh công nghệ ở nơi mà bạn tin rằng mình có thể tạo nên sự thay đổi dài lâu có ý nghĩa.
- Hạnh phúc thấp, ý nghĩa thấp: Hãy tránh điều này! Casnocha đặt những luật sư và giám đốc ngân hàng kiểu mẫu vào loại này: họ làm việc trong một môi trường đầy áp lực, không hề có chút cảm giác phải hi sinh cho điều gì đó cao cả hơn, và dù rằng họ làm ra tiền, họ không có thời gian rỗi để tiêu đến.
- Hạnh phúc cao, ý nghĩa thấp: Đó là những công việc dễ dàng, ít áp lực có thể khiến bạn thấy vui vẻ ngày qua ngày, nhưng không nhất thiết phải truyền cảm hứng hay động lực. Ví dụ như, một nhà phân tích phương tiện truyền thông ở một công ti lớn, hay một trợ lí hành chính.
Và cũng có những công việc giúp bạn có được cả hai. Ở một công ti nơi mà sự tự chủ của nhân viên được đề cao và sếp của bạn khuyến khích sự phát triển cá nhân, bạn càng có xu hướng thấy công việc của mình ý nghĩa trong khi cũng có một trải nghiệm công việc tốt lành trong ngày.
Lời khuyên của Casnocha, nếu bạn phải chọn giữa một trong hai, là phải chọn một nghề nghiệp có ý nghĩa. Một khi bạn làm vậy, có nhiều cách để tạo nên những thói quen hạnh phúc, do đó cả những nhu cầu ngắn hạn và dài hạn đều được đáp ứng. Điều đơn giản như ra ngoài ăn tối với bạn bè hay giữ một cuốn sổ biết ơn có thể tạo cho bạn niềm vui tạm thời cần thiết để suy nghĩ về những mục đích dài hạn của bạn một cách chín chắn.
Điều gì quan trọng hơn với bạn trong công việc, hạnh phúc ngày qua ngày hay cảm nhận về ý nghĩa? Bạn có thấy việc nghĩ về chúng như hai khái niệm khác biệt hữu ích không? Hãy chia sẻ những trải nghiệm của bạn trong phần bình luận phía dưới!
Nguồn : Your job might make you happy, but do you find it meaningful?